Những thành phần của kem dưỡng
Kiến thức DIY

Thành phần của kem dưỡng

Đa số các loại kem dưỡng da đều có các thành phần cơ bản sau:

  • Thành phần ở phase nước
  • Thành phần ở phase dầu
  • Thành phần ở Phase chất nhũ hoá và phase tạo đặc
  • Chất bảo quản
  • Chất chống oxy hoá
  • Chất tạo màu
  • Hương liệu
  • Các chất phụ gia khác

Hầu hết tất cả các thành phần bạn cần đều có tại các shop bán nguyên liệu làm mỹ phẩm handmade với vô vàn chủng loại cho các bạn lựa chọn. Điều bạn cần lưu ý là chú ý rõ tình trạng da mình cần gì, bạn đang dị ứng gì, nguyên liệu dùng được cho da nhạy cảm, da bầu hay không để phối trộn lên công thức kem của riêng mình. Bây giờ mình sẽ giới thiệu sâu hơn về thành phần từng phase nhé:

Phase dầu

Dầu (chất béo) trong kem dưỡng thường là dầu và bơ. Các loại này có nguồn gốc thực vật như dầu dừa, dầu cám gạo, dầu hướng dương, dầu jojoba …Bây giờ các loại chất béo còn được thay thế bằng những loại dầu vô cơ như dầu khoáng (loại thường thấy trong kem dưỡng thương mại) hoặc các loại dầu silicone như dimethicone, cyclopentasive, isododecane, mình sẽ làm bảng so sánh chức năng của các nhóm dầu cho các bạn dễ hiểu:

Nhóm dầu Độ thấm da/ độ dưỡng da Nhận xét  
Dầu tự nhiên: Dầu dừa, dầu cám gạo, dầu jojoba,

dầu hướng dương, dầu thầu dầu, dầu nho …

Thấm không nhanh nhé, nền luôn có cảm giác hơi bí da nhẹ. Độ dưỡng rất cao vì được ép từ các loại hạt ra, có khả năng phục hồi da cực kì tốt. Nếu làm kem thì khó bán lắm, tự làm tự dùng thì được. Mùi dầu không thơm
Dầu este: Squalane, T.I.O, Siflo 364, jojoba este .. Mang các đặc tính thấm nhanh của dầu silicone và dinh dưỡng cao của dầu tự nhiên. Dưỡng da tốt, vẫn chứa dinh dưỡng cho da. Nên dùng nhé. Mùi dầu không có hoặc nhẹ
Dầu silicone: Dimethicone, Cyclomethicone, Octyldodecanol,

Hydrogenated polyisoputene, Isododecane, IPM …

Thấm cực kì nhanh, thoa lên da vài giây là khô thoáng rồi. Gần như không dưỡng da, bù lại nó tạo độ trơn cho da để hoạt chất dễ thấm vào da hơn. Nên dùng. Mùi dầu không có hoặc nhẹ.
Dầu giá rẻ: Mineral oil, Vasaline … Thấm yếu, thậm chí còn tạo lớp màng lì mặt da trên dễ gom bụi bẩn và sinh mụn. Không có độ dưỡng. Không nên dùng vì nó khá bí da, dễ sinh mụn đó. Dầu không mùi.

Trong các nhóm dầu trên thì mình thường dùng / ráp công thức handmade cho các bạn làm bằng dầu este hoặc dầu silicone vì giá thành, độ thấm và cả sự linh động của 2 nhóm này. 2 nhóm dầu này ngoài việc thấm nhanh, có dinh dưỡng lại còn hoà tan được các hoạt chất đặc biệt như Resin, Unimer …và không mọc lông.

Dầu tự nhiên có 1 cái ưu điểm cực kì quan trọng lấp đi đa số các khuyết điểm đó là nó được ép từ các loại hạt thủ công, dinh dưỡng trong dầu đều tự nhiên hết. Bởi vậy các tín đồ làm kem dưỡng thủ công đều chọn nhóm dầu này. Nhưng mà nhóm dầu này để lâu dễ có mùi ôi, bí da, khó thấm cho nên nếu được thì bạn sử dụng ít thôi.

Phase nước

Gồm nước và một số chất lỏng/ bột tan nước khác, chẳng hạn như sữa dê, nước ép nghệ, nước cất hoặc gel lô hội. Hầu hết sữa dưỡng thể có 75% đến 80% là nước. Bạn có thể giảm hàm lượng nước để kem đặc hơn nhưng vẫn bảo toàn công thức là 100% nhé, còn những loại kem đặc một cách đặc biệt như kem cốt, kem sâm nhung, kem nén thì hàm lượng nước dưới 50%.

Thường thì bạn nên dùng nước cất, hầu hết nước bây giờ cũng sạch sẽ nhưng nước máy ở thành phố có xử lý bằng clo và có thể chứa các khoáng chất không mong muốn. Còn nước giếng thì nhiều phèn quá không khả thi đâu, bạn có thể mua nước tinh khiết ở siêu thị để dùng mà. Trong trường hợp bất đắc dĩ thì xài nước máy hay nước giếng cũng được nhưng dùng thêm chất khử ion như EDTA.

Một số chất lỏng/ bột tan nước khác ngoài nước có thể kể đến như glycerine, PPG, Amitose R, Pentavitin, Hydro gel, Bột HA, allantoin …bạn cho luôn những thành phần này vào phase nước khuấy chung cũng được. Tại vì nó chỉ là chất dưỡng mềm da và nó có thể gia nhiệt.

Còn những chất lỏng/ bột tan nước khác thuộc dạng hoặc chất mắc tiền như Axolight, Alpha Arbutin, tranexamic axit, kojic axit, B-lightyl, belides, Catipure …thì nên để riêng ly khác và cho vào bước cuối của công thức, trước bước cho chất bảo quản và hương liệu.

Một phần do các chất này mắc tiền, phần khác do nó không thể gia nhiệt, nếu gia nhiệt là mất chất. Để kĩ hơn về chất nào gia nhiệt được chất nào không thì từng nguyên liệu trong bài viết đều ghi note có gia nhiệt được hay không rồi, những điều trên là dành cho kem có gia nhiệt. Còn kem không gia nhiệt thì đơn giản hơn, tất cả các chất tan nước cho chung hết với nhau, sau đó khuấy kem bình thường.

Phase chất nhũ hoá

Vì dầu và nước thường không tự hoà lẫn được nên bạn cần 1 hoặc nhiều chất nhũ hoá để kết hợp chúng. Có rất nhiều loại trên thị trường và tựu chung thì chia làm 2 loại là nhũ hoá hệ nóng (cần nấu chảy tan khi dùng) và nhũ hoá hệ lạnh (không cần nấu chỉ cần khuấy). Mình sẽ tổng hợp một số loại nhũ hoá mình thường dùng, tuy hơi nhiều nhưng sẽ ổn thôi nếu được làm trong phạm vi tỷ lệ nhà sản xuất cho phép, dùng dư cũng không sao nó chỉ gây khó chịu khi thoa lên da chứ cũng không dị ứng.

Nhóm nhũ hoá hệ nóng

Tên nhũ hóa Công dụng
LEONEO 100 Nhũ hoá ổn, tương tự như Emulsifying wax nhưng ít được biết đến do ít ai PR. Mang đầy đủ đặc điểm của Emulsifying wax nhưng tạo đặc nền tốt hơn (mình rất thích đặc điểm này của nó và hay dùng nó lắm vì nhũ hoá ổn, tạo đặc tốt).
Skycore PSW012 Là nhũ hoá đặc biệt cực kì mạnh mẽ dành cho các nền kem khó nhằn như có nhiều alastomer gel, silicone gel hoặc dầu trong nước. Các loại gel khó khăn còn nhũ hoá được thì các nhóm dầu bình thường khác sáp này cân đẹp. Có thể làm trợ nhũ hoá. Kem dùng sáp này rất đẹp, đặc.
Emulsifying Wax Nhũ hoá ổn, là loại sáp phổ biến trong mỹ phẩm handmade nhất hiện nay, dùng làm trợ nhũ hoá được, nhũ hoá được nhóm dầu tự nhiên, nhóm dầu silicone, nhưng không nhũ hoá ổn khi công thức có nhiều alastomer gel hoặc silicone gel. Hình thể kem sau khi ra nền là sệt mềm không quá đặc.
Cety Alcohol Nhũ hoá yếu, chỉ dùng làm trợ nhũ hoá hoặc dùng như sáp tạo đặc nền là ổn nhất. Dùng sáp này làm kem ủ tóc được lắm đó, nó rẻ và đặc.
Pamerol Tương tự Cetyl Alcohol nhưng đặc hơn 1 tẹo.
GMS 60 Làm trợ nhũ hoá hệ dầu trong nước (ví dụ kem cốt, kem dầu, kem nén …) rất mạnh. Dù sáp này rẻ nhưng quá tuyệt vời, nó không tạo đặc chút nào hết và không làm nhũ hoá chính được nhưng mà nó nhũ hoá dầu vào nước mạnh ngang sáp chính luôn đó.
Steareth 21 Tương tự Emulsifying wax, độ đặc cũng 8/10 na ná nhau. Sáp này làm xả lỏng đẹp nền lắm các bạn, sệt, lỏng.
Cutina Tương tự Emulsifying wax. Hồi bữa hết hàng sáp SE không kịp làm hàng, ép buộc phải thay thế sáp khác thì mình có test tỷ lệ 50% cutina: 50% sáp NF nó sẽ bằng độ đặc và độ nhũ hoá khi dùng sáp SE.
Sáp SE Là sáp nhũ hoá quá nổi và thông dụng. Giúp nền đặc dẻo, sệt.

Nhóm nhũ hoá hệ lạnh

Tên nhũ hóa  Công dụng
Saboflow VL Nhũ hoá chính, nhũ hoá được nhóm dầu tự nhiên, dầu silicone, dầu este nhưng tỷ lệ ít thôi. Thường thì các nhũ hoá khác nền đều bóng riêng Saboflow VL làm nền nhám, đặc biệt lắm, đẹp lắm. Phù hợp làm mask, kem tan mỡ …những nền nào ít dùng dầu vì khi dùng dầu nhiều kem sẽ lỏng. Có thể làm trợ nhũ hoá. Không dùng với nền có titan dầu dạng bột, dùng được titan paste, titan nước.
Multicare HA 40 KC Nhũ hoá chính, tương tự như Saboflow VL nhưng độ nhũ hoá mạnh x5 lần. Nhũ hoá được lượng dầu tự nhiên / dầu silicone cao. Nhưng không nhũ hoá được silicone gel nặng, không nhũ hoá nền dầu trong nước được. Dùng được titan dầu, titan nước, titan nano, titan paste.
Cosmagel 305 Tương tự multicare nhưng hạn chế ở điểm nền không ôm được nhiều titan dầu, titan nano thôi, ôm nhiều thì nó dính phớ lòng bàn tay khi thoa kem ạ. Chứ loại nhũ hoá này cực kì phổ biến và dễ dùng, hầu như ai mới bắt đầu làm kem handmade đều chọn mua multicare hoặc cosmagel cả.
ADEKA NOL GT-730 Nhũ hoá nền kem đậu hũ, dạng sệt, xốp, dễ vỡ. Mình hay dùng nó vào serum để nhũ hoá lượng bé dầu vào nước (dầu <2%), nhằm tăng độ ẩm cho serum hệ nước mà không tách lớp.
KF 6038 Nhũ hoá chính trong các nền silicone gel nặng, dầu trong nước ví dụ kem nhung, kem nén, kem cốt …nhưng nó không tạo đặc được phải dùng thêm chất làm dày kem / đặc kem. Nhũ hoá mạnh thế này dĩ nhiên nhũ hoá được luôn nhóm dầu yếu để làm kem bình thường, nhưng mà phải dùng kèm chất tạo đặc kem chứ không 1 mình thành nền như multicare, cosmagel, saboflow VL được.
Span 80 Trợ nhũ hoá dầu trong nước đỉnh lắm á, có mấy lần mình tính bỏ nó ra khỏi công thức nhưng toàn tách lớp, thay chất khác thì mắc hơn nhiều, highly recommend !!!
PEG 40 Trợ nhũ hoá đắc lực giúp hương liệu / tinh dầu tan vào nền thuần nước. Ngoài ra nó còn dùng như trợ nhũ hoá trong các công thức dầu nhiều mà nền bắt buộc phải lỏng như cc cream, xịt chống nắng …

Tính bền nền của nền kem phụ thuộc rất nhiều vào loại nhũ hoá bạn sử dụng, sử dụng ít nhũ hoá hơn lượng dầu hoặc silicone đã cho vào thì sau 1 thời gian kem sẽ tách lớp. Bạn có thể dùng 1 hoặc nhiều nhũ hoá phối trộn để tạo ra nền ưng ý nhất, lưu ý khi phối trộn nhũ hoá thì sử dụng tỷ lệ mỗi loại đều ít đi một tí so với tỷ lệ nhà sản xuất khuyên dùng nhé. Còn nếu dùng 1 loại nhũ hoá thì dùng full tỷ lệ.

Phase chất làm dày kem/ đặc kem

Chất làm dày/ đặc kem trong công thức mình hay dùng là axit stearic và sáp tự nhiên như: sáp ong, candelilla, micro wax, carnauba…hoặc chính các loại nhũ hoá có chức năng làm đặc đã được liệt kê bên trên như: cetyl alcohol, pamerol, multicare, cosmagel, saboflow VL …những loại này vừa không tốn kém còn phổ biến rộng rãi. Nhưng trên thị trường còn nhiều loại khác nữa, nếu bạn thích xài loại khác thì hãy dùng nó đúng theo hướng dẫn của nhà cung cấp là được.

Có 1 lưu ý nhỏ cần nhắc nhở các bạn khi tạo đặc bằng sáp tự nhiên là nhóm sáp này không nên dùng nhiều trong công thức kem, vì nó đặc thì đặc đó nhưng nó tạo 1 lớp màng bí trên bề mặt da. Bạn nhớ son không? hãy tưởng tượng thoa son lên da là bạn sẽ hiểu điều mình nói liền, vì son tạo đặc từ sáp tự nhiên mà.

Chất chống oxy hoá

Chất chống oxy hoá giúp ngăn không cho các chất béo của bạn bị hỏng, đó là do phản ứng hoá học. Đừng nhầm lẫn chúng với chất bảo quản, vì nó hoạt động theo mặt sinh học thôi. Chất chống oxy hoá nổi tiếng hiện nay là Vitamin E.

Chất bảo quản

Việc sử dụng chất bảo quản trong kem dưỡng da handmade vẫn còn nhiều tranh cãi. Nên mình sẽ hướng dẫn cho bạn cách sử dụng an toàn để dùng nhất, còn việc lựa chọn ra sao là tuỳ bạn.

Rất nhiều người lầm tưởng kem dưỡng thủ công không sử dụng chất bảo quản. Trái ngược với những gì bạn thường nghe, cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) lại không yêu cầu như vậy. Nếu như kem bị hư , bị nhiễm khuẩn hoặc mốc mới bị coi là kem kém chất lượng. Vì không thể nào một sản phẩm mỹ phẩm không có chất bảo quản mà để được 1-3 năm cả, không dùng chất bảo quản kem dưỡng có thể bị hư nhưng không có bất kì dấu hiệu nào trong một thời gian dài, nếu dùng kem hư mà không biết thì ảnh hưởng sức khoẻ da rất cao, bán kem dưỡng mà không chất bảo quản là cực kì mạo hiểm.

Một số chất bảo quản nhạy cảm với độ pH hơn các chất khác. Bạn nên kiểm tra công thức mình có độ pH phù hợp với chất bảo quản sẽ dùng hay không. Nhưng ở đây bạn không cần lo lắng với mấy chất bảo quan trong công thức của mình đưa ra hoặc mình bán, vì mình đều chọn các loại chất bảo quản có phổ pH rộng hết.

Chất bảo quản sẽ hoạt động tốt trong khoảng nhiệt độ nhất định, hiệu quả của nó sẽ giảm đi nếu sản phẩm quá nóng khi thêm vào. Đa phần đều nên cho chất bảo quản vào cuối công thức khi nhiệt độ dưới 50 độ.

Những chất bảo quản bên mình đều đã được test rồi, kiểm tra kĩ rồi. Bạn có thể thoải mái sử dụng trong công thức mà không lo vấn đề pH, tuy nhiên, bạn cần chắc rằng thuộc tính của chất bảo quản tan nước hay tan dầu? hệ lưu trên da hay tẩy rửa mà chọn loại cho phù hợp, một số chất bảo quản thông dụng bên mình như sau:

Chất bảo quản hệ lưu trên da (kem, serum, xịt chống nắng, cc cream…) :

Tên chất bảo quản Đặc điểm
PE 9010 Nửa nước nửa dầu, nếu dùng cho hệ nước toàn phần như toner, serum thì nhũ hoá 1 PE 9010 : 1 PEG 40 khuấy đều sau đó cho vào công thức như bình thường.
Nếu dùng trong kem dưỡng thì cho thẳng vào, vì trong kem có sẵn chất nhũ hoá rồi. Có mùi nhẹ.
Biodefend Tan nước 100%, phù hợp serum, toner, xịt khoáng …cho vào kem cũng không cần nhũ hoá vì kem có chất nhũ hoá rồi. Không mùi hoàn toàn.
PM5 Tan dầu 100%, cho vào kem dưỡng là phù hợp nhất. Mùi nhẹ.

Chất bảo quản hệ tẩy rửa (sữa tắm, dầu gội, nước rửa chén, nước rửa tay…) :

Tên chất bảo quản Đặc điểm
K145 Tan nước 100%, không mùi, bảo quản bền.
DMDMH Tan nước 100%, không mùi, bảo quản yếu hơn k145.

 

Thành phần của hũ kem
Thành phần của hũ kem

Chất tạo mùi / hương liệu

Đối với mùi hương, bạn có thể sử dụng bất kỳ chất tạo mùi nào an toàn cho da hoặc dùng tinh dầu. Có người dùng nhiều hoặc ít, hoặc không dùng luôn cũng được.

Nếu bạn dùng mùi hương, hãy chú ý đến nhiệt độ bốc hơi của nó trước khi cho vào công thức. Nếu cho mùi hương vào khi sản phẩm còn quá nóng sẽ làm hương bay mùi đi hết, hãy cho vào cuối công thức sau cả bước chất bảo quản, đảm bảo nhiệt độ thấp nhất có thể và liều lượng bao nhiêu tuỳ bạn mong muốn.

Mùi hương có 2 dạng: tinh dầu và hương liệu. Nếu là tinh dầu, nên chú ý có 1 số loại tinh dầu có tính rát hoặc râm ran khi thoa lên da như tinh dầu bạc hà, cam, chanh, quế, ớt …những loại này nên cho ít hoặc cho vào sản phẩm phù hợp tương ứng. Nếu là hương liệu, có 2 dạng tan nước và tan dầu, cần chú ý nó thuộc hệ gì để cho vào cho đúng. Nếu bạn cần cho hương liệu (hệ dầu) vào những sản phẩm nước toàn phần như toner, xịt khoáng thì nhũ hoá 1 hương liệu : 1 PEG 40 rồi cho vào nền thì hương không bị tách lớp nữa.

Chất tạo màu

Chất tạo màu cũng có thể được thêm vào sữa dưỡng thể, dù điều này không phổ biến. Nếu muốn thêm vào, hãy dùng chất tạo màu tan trong nước và chỉ dùng loại nhà cung cấ chắc chắn dùng được trong mỹ phẩm, đừng ham rẻ mà dùng chất tạo màu trong thực phẩm nhé.

Các chất phụ gia khác

Các chất phụ gia khác bao gồm glycerine và chác chất hút ẩm, axit amin (tơ tằm), chất điều chỉnh và nhiều hơn nữa. Những loại hoạt chất trắng da, trị mụn, nám …cũng nằm trong chuyên mục những chất phụ gia khác nhưng vì nó quá nhiều và quá bao la cho nên mình sẽ tổng hợp ở một bài khác nhé.

Nguyễn Phượng Handmade
Follow me
Latest posts by Nguyễn Phượng Handmade (see all)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *