Nguyên liệu

Một số chiết xuất sử dụng trong mỹ phẩm

Chiết xuất từ thực vật là những thành phần quý tạo nên giá trị của một sản phẩm dưỡng da. Những hoạt chất này là những phân tử nhỏ có nguồn gốc từ quá trình chuyển hóa thứ cấp. Mục tiêu của quá trình chiết xuất là cải thiện nồng độ hoạt chất, tăng hiệu lực và độ tinh khiết, phương pháp thường dùng nhất là dùng dược liệu khô hòa trong dung môi phù hợp, mà trong đó nhiệt độ sử dụng và thời gian chiết xuất phải được tối ưu hóa. Dung môi thường sử dụng như nước, cồn, butylene glycol, glycerin, methanol, dầu hoặc ester, enzyme thực vật như cellulase cũng được sử dụng để làm vỡ tế bào phóng thích hoạt chất.

Một số chiết xuất phổ biến dùng trong các sản phẩm chăm sóc da của Southern Skincare như: 

Nha đam (Aoe barbadensis, Aloecapensis, Aloe vera)

Nha đam có thể gây phản ứng chéo ở những cơ địa bệnh nhân dị ứng với tỏi, hành tây và tulip. Lá là nơi tập trung nhiều SM nhất trong cây, nhựa của lá rất giàu aloe resin, dithranol, chrysorobin, allantoin, salicylate, flavonoid và polysaccharide. Nha đam có tính kháng khuẩn, kháng virus, kháng histamin, kháng viêm và là chất chống oxy hóa rất tốt, đồng thời tăng cường tổng hợp collagen và co mạch máu dưới da. Chiết xuất Aloesin có khả năng chất ức chế tyrosinase mạnh, giảm tăng sinh melanin do tác động của tia UV và đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa nhưng yếu hơn acid kojic.

Bromelain và papain – enzym từ dứa (Ananas comosus)

Enzym cystein proteinase từ cuống và rễ dứa có tác dụng tẩy tế bào chết, kháng viêm và kháng ung thư. Những người dị ứng với dứa có thể sẽ dị ứng chéo với lúa mì, cỏ, cần tây, cà rốt, chamomile và daisy.

Cà phê (Coffea arabicaCoffea canephora)

Hoạt chất chính trong cà phê gồm các alkaloid tinh khiết như caffein, theobromine và theophyllin trong hạt cà phê hay cà phê rang. Dịch chiết cà phê từ lá cây C.arabia là thành phần chính trong nhiều sản phẩm điều trị cellulite. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffein có tác dụng kháng ung thư và chống oxy hóa giống như trà xanh, giúp cải thiện tình trạng sần da và làm mờ các nếp nhăn mịn. Khả năng hấp thụ các gốc tự do cao gấp 10 lần so với trà xanh, gấp 20 lần so với vitamin C nhưng chỉ bằng 1/16 so với cúc thơm.

Cúc thơm (Tanacetum parthenium)

Từ lá của loài thực vật này người ta chiết được hơn 40 loại SM khác nhau, trong đó parthenolic là có hoạt tính mạnh và độc nhất. Những SM khác gồm có flavonoid, tanetin và apigenin, polyyne, tinh dầu bay hơi như camphor, chrysanthyl acetate, linalool và melatonin. Chỉ số ORAC (chỉ số đánh giá khả năng chống oxy hóa của một hợp chất) cao gấp 16 lần hạt cà phê với khả năng chống ung thư cao gấp 35-1000 lần so với trà đen, trà xanh, trà trắng, lô hội và cam thảo, giúp làm dịu các chứng đỏ da, sần da và da bị kích ứng. Không nên sử dụng Cúc thơm cho phụ nữ có thai và cho con bú hoặc trẻ em dưới 2 tuổi. Thành phần này cần được lưu ý khi lựa chọn sản phẩm mỹ phẩm cho mình.

Cúc la mã (Matricaria recutita)

SM thu được từ loài thực vật này gồm có dầu bay hơi như bisabolol và flavonoid như apigenin, quercetin, chalmazulene, rutin và coumarin trong hoa. Cúc la mã có tính kháng ung thư, kháng dị ứng, kháng viêm (mạnh hơn cả 0,5% hydrocortison) và chống oxy hóa cũng như kháng vi khuẩn, virus và nấm rất hiệu quả. Ngoài ra, dịch chiết này còn hỗ trợ làm lành vết thương và làm dịu đi những tình trạng dị ứng.

Dương xỉ (Polypodium leucotomos)

Loại thảo mộc này đã được nghiên cứu lâm sàng và đạt hiệu quả trong việc điều trị bệnh bạch biến, vẩy nến, nóng rát da, nhiễm độc quang học và giảm tổn thương do tác hại tia UVA khi dùng đường uống. SM chính yếu trong dương xỉ được thu hoạch ở phần thân rễ và phần cây trên mặt đất, chủ yếu gồm các hợp chất vòng phenol, chlorogenic, acid ferulic và acid caffeic. Dịch chiết có tính kháng viêm, ức chế tế bào mast, chống oxy hóa.

Nho (Vitis vinifera)

Bộ phận sử dụng của nho gồm hạt, quả, da của vỏ và lá nho. Đây là những thành phần giàu flavonoid như quercetin, tannin, catechin mạch đơn, polymer proanthocyanidin chuỗi ngắn (OPC), resveratrol và acid trái cây. Những SM này có khả năng kháng ung thư, kháng histamin, kháng viêm và chống oxy hóa rất tốt, ức chế enzym MMP (gây giãn mạch máu dưới da), ổn định collagen và độc với tế bào tiền ung thư. OPC trong nho có khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 50 lần so với vitamin A hoặc E, giúp ích cho quá trình tăng trưởng của tóc. Khi dùng đường uống trong 6 tháng, hạt nho giúp làm giảm nám da ở phụ nữ. Ngoài ra, nếu kết hợp sản phẩm này với các sản phẩm chống oxy hóa chứa đậu nành, trà trắng, cúc la mã, cà chua, protein cá và polysaccharid giúp cải thiện sự mềm mịn và cấu trúc da.

Cúc gai (Sylibum marianum)

Trong chiết xuất của loài cây này, có một hợp chất flavonoid đáng được quan tâm chiếm đến 75% tổng lượng dịch chiết từ hạt hoặc toàn cây. Hợp chất này có khả năng chống ung thư, kháng dị ứng, ức chế sự cháy nắng do tia UVB, chống oxy hóa và ổn định màng tế bào. Những SM khác trong hạt gồm acid béo và flavonoid như apigenin và quercetin. Toàn cây còn chứa sterol, glucosid, acid fumaric và polyyne.

Nấm

Phần lớn những loài nấm ứng dụng trong y học đều đến từ y học cổ truyền châu Á, điển hình là đông trùng hạ thảo, nấm vân chi, nấm linh chi. Toàn bộ thân nấm là nguồn cung cấp beta glucan có tác dụng kích thích hoạt động của hệ miễn dịch. Dịch chiết từ nấm chứa những peptid, triterpen, polyphenol chống oxy hóa và sphingolipid kháng histamin. Một vài loại nấm ức chế enzym MMP và hoạt hóa protein-1. Các nghiên cứu chỉ ra chiết xuất từ nấm làm dịu tình trạng nóng rát da, cải thiện kết cấu, màu da, nếp nhăn mịn trong vòng 4 tuần, giảm tình trạng lão hóa và tăng sắc tố sau 8 tuần sử dụng.

Yến mạch (Avena sativa

Loại thảo dược này thường được dùng để chữa chứng viêm da, SM gồm những polysaccharid như beta glucan, steroid saponin, flavonoid như apigenin, polyphenol như avenathramid, phenolic gồm acid caffeic và acid ferulic, hydroxycinnamate, acid coumaric và tocotrienol. Yến mạch có khả năng kháng viêm, chống oxy hóa và ngăn chặn tia UVA. Với nồng độ avenathramid khoảng 3%, chiết xuất này cho tác dụng kháng viêm tương đương 1% hydrocortison.

Lựu (Punica granatum)

Nước ép lựu và trái lựu chưa nhiều polyphenol hơn trà xanh, rượu vang, việt quất hay nước cam. Những SM khác gồm tannin như acid ellagic, acid citric và acid tartric, có khả năng kháng lại virus HIV, kháng khuẩn S.aureus, kháng nấm và kháng ký sinh trùng.

Dầu hạt lựu giàu acid linoleic và hợp chất estrogenic, kích thích sự tăng sinh keratinocyte, chống ung thư và chống oxy hóa. Thành phần SM chủ yếu của vỏ quả lựu là những tannin có tác dụng làm lành vết thương, ức chế MMP-1, tăng tổng hợp tiền chất của collagen ở nguyên bào sợi, nâng cao giới hạn đỏ da tối thiểu do tia UVB khi dùng đường uống, acid ellagic ngăn ngừa sự tổng hợp melanin.

Thông đỏ (Pinus pinaster, Pinus maritima)

Dịch chiết này có nguồn gốc từ vỏ cây thông đỏ mọc ven vùng biển nước Pháp, chứa các SM như flavonoid ở dạng monomer, dimer, oligomer và polymer của catechin, epicatechin và taxifolin, polysaccharid, những hợp chất vòng phenol như acid ferulic, caffeic và coumaric. Thông đỏ mang chức năng kháng histamin, kháng viêm và chống oxy hóa, giảm tác hại của tia UVB, ức chế MMP, hữu ích trong điều trị bệnh vảy nến, viêm da dị ứng và lupus.

Chiết xuất Nghệ (Curcuma longa, Curcuma domestica)

Curcumin chiết được từ thân rễ nghệ là thành phần có tính kháng ung thư, kháng viêm, chống oxy hóa và kích thích mau liền sẹo. SM gồm những dầu dễ bay hơi như tumerone (tạo mùi thơm), curcuminoid như curcumin (sắc tố vàng) và polysaccharid. Turmerone ức chế tế bào mast, kết hợp với receptor estrogen và progesteron ngăn ngừa sự phiên mã của gen, giảm MMP, có khả năng kháng viêm tốt hơn ibuprofen, chống lại quá trình hình thành mạch máu khi kích thích miễn dịch. Curcumin có tính kháng khuẩn, kháng virus HIV và động vật nguyên sinh. Curcumin dùng ngoài da để thúc đẩy quá trình lành vết thương, mau liền sẹo được xem là một trong những phương pháp an tòan và lâu đời nhất. Dịch chiết nghệ không nên dùng cho phụ nữ có thai. Ngoài ra, trong nghệ còn có chứa allantoin, apigenin, bisabolol, beta-carotene…hỗ trợ điều trị các vấn đề về da khác.

Chiết xuất được dùng ngày càng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da và tóc. Với những tác dụng mà mỗi loại thực vật mang lại cho da và tóc.

Nguyễn Phượng
Follow me
Latest posts by Nguyễn Phượng (see all)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *