Tác dụng của nghệ trong dưỡng da
Nguyên liệu

Các tác dụng của nghệ trong chăm sóc da

Nghệ (Curcuma longa) là một loại gia vị phổ biến trên thế giới, được chứng minh có tính kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống ung thư. Các bằng chứng cho thấy curcumin – thành phần chính của nghệ, được sử dụng để điều trị một loạt các bệnh về da. Sử dụng nghệ thoa ngoài da và đường uống đều giúp điều chỉnh chức năng và sức khỏe làn da.

Ngày càng có nhiều mối quan tâm về tác dụng của curcumin trong điều trị các bệnh về da (Thangapazham cùng cộng sự 2007).

Dưới đây là một số nghiên cứu về hiệu quả của curcumin trên da

Trong điều trị mụn trứng cá

Do đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm, curcumin được biết có tác dụng trên điều trị mụn trứng cá. Trong một thử nghiệm của Lalla và cộng sự năm 2001, các công thức bột nghệ dùng đường uống và ngoài da đều được biết mang lại hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá. Curcumin longa đường uống có chứa Piperlongum (tiêu đen) giúp cải thiện hoạt tính sinh học của curcumin (Shoba cùng cộng sự, 1998).

Viêm da tạng dị ứng (eczema)

Một thử nghiệm trong vòng 4 tuần được thực hiện bởi Rawal cùng cộng sự (2009) trên 150 bệnh nhân eczema sử dụng kem chiết xuất thảo dược chứa Curcumin longa và được theo dõi hàng tuần.

Đối tượng từ 12-80 tuổi, chia đều giữa nam và nữ. Kết quả cho thấy có sự cải thiện đáng kể tất cả các triệu chứng bao gồm bao đỏ, vảy, dày da và ngứa.

Lão hóa quang hóa trên khuôn mặt

Lão hóa quang hóa xuất hiện ở những vùng da tăng sắc tố và mỏng manh do tổn thương bởi ánh nắng mặt trời. Một nghiên cứu đã đánh giá việc sử dụng gel thảo dược có chứa curcumin kết hợp với cây hương thảo và rau má trong cải thiện các dấu hiệu của lão hóa quang hóa ở 28 phụ nữ độ tuổi từ 34 – 36 (Sommerfeld, 2007).

Nghiên cứu này kết luận rằng: sau 4 tuần sử dụng làn da săn chắc hơn, cải thiện về mặt lâm sàng và tổng thể khuôn mặt của bệnh nhân.

Ngứa

Ngứa có thể phát sinh từ nhiều bệnh hệ thống hoặc do sử dụng thuốc.

Một nghiên cứu trong vòng 8 tuần, ngẫu nhiên, mù đôi, giả dược được thực hiện trên 100 đối tượng. Bệnh nhân được uống 3 viên nang nghệ hàng ngày hoặc giả dược (Pakfetrat cùng cộng sự, 2014). Các đối tượng được chọn trên 18 tuổi, với 54 nam và 50 nữ. Mỗi viên nang chứa 500 mg bột nghệ tương ứng 22,1 mg curcumin. Nhóm sử dụng curcumin giảm ngứa đáng kể so với nhóm giả dược.

Trong một nghiên cứu khác, hỗn hợp “Itch cream” chứa 16% nghệ cùng với khương hoàng, đàn hương và những thành phần khác được sử dụng trên 64 đối tượng, độ tuổi từ 2-12 hoặc từ 12-70 ở cả nam và nữ với triệu chứng ngứa gây ra bởi nhiều nguyên nhân (viêm da dị ứng, viêm da mạn tính và bệnh vẩy cá). Nhóm bệnh có sự cải thiện đáng kể về triệu chứng ngứa (Chatterjee cùng cộng sự, 2005).

Bệnh vẩy nến

Vẩy nến là một bệnh viêm mạn tính có liên quan đến sự tăng sinh biểu bì (Marka và Jeffrey, 2013). Điều trị cơ bản bao gồm steroid tại chỗ, thuốc chứa vitamin D, retinoids, ức chế miễn dịch và tia UV.

Một nghiên cứu trên 40 người đàn ông độ tuổi 40-80, với công thức chứa 1% curcumin mang đến sự cải thiện đáng kể ở bệnh nhân vẩy nến. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn giới hạn do số lượng mẫu ít và thiếu nhóm chứng sử dụng giả dược.

Viêm da do bức xạ

Một tác dụng thường gặp của bệnh nhân ung thư dưới bức xạ là viêm da. Trong một nghiên cứu lấy mẫu ngẫu nhiên trong vòng 7 tuần, 50 đối tượng viêm da (37 nam và 13 nữ, độ tuổi 40-65) do bức xạ được sử dụng kem có chứa nghệ. Kết quả cho thấy sự giảm đáng kể về mặt thống kê ở nhóm sử dụng curcumin.

Gần đây, các bằng chứng về tác động của nghệ trên da được phát hiện ngày càng nhiều. Vì thế, xu hướng điều trị bệnh bằng các thành phần chiết xuất từ thiên nhiên dường như được ưu tiên hơn. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng nghệ trong điều trị:

Liều lượng sử dụng nghệ bao nhiêu thì hợp lí

Liều lượng phù hợp là bao nhiêu? Nghiên cứu tại Đại học California San Diego đã phân tích 28 các sản phẩm bột nghệ khác nhau sử dụng sắc ký lỏng để xác định hàm lượng curcumin trong mỗi sản phẩm, kết quả cho thấy tinh bột nghệ tinh khiết chứa trung bình 3,14% curcumin theo trọng lượng (Tayyem cùng cộng sự, 2006).

Nhiều nghiên cứu sử dụng công thức curcumin với tên thương mại Curcumin C3 Complex® được sản xuất bởi Sabinsa Corp, chứa 95% curcuminoids tinh khiết.

Chainani-Wu cùng cộng sự đã nghiên cứu tác dụng của curcumin trên bệnh lichen phẳng ở miệng với hai hàm lượng 2000 mg và 6000 mg Curcumin C3 Complex® (Chainani-Wu cùng cộng sự, 2012b; Chainani-Wu cùng cộng sự, 2007; Chainani-Wu cùng cộng sự, 2010). Chỉ có liều lượng 6000 mg mang lại kết quả đáng kể.

Điều này cho thấy có thể phải sử dụng liều cao hơn so với những nghiên cứu đã được công bố trước đây.

Tác dụng phụ của nghệ khi quá liều

Nghệ và chiết xuất curcumin có độ an toàn cao cho đến hiện nay, ngay cả khi sử dụng ở liều cao vẫn không có tác dụng phụ đáng kể (Chainani-Wu, 2003).

Curcumin có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu và có thể tương tác với thuốc chống đông và thuốc kháng tiểu cầu (Shah cùng cộng sự, 1999).

Ngoài ra, curcumin có thể kích thích các cơn co thắt túi mật, làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở bệnh sỏi mật (Rasyid và Lelo,1999).

Trong pha I của nghiên cứu lâm sàng trên người để kiểm tra tác dụng của curcumin liều cao trong việc ngăn ngừa tổn thương tiền ác tính, thậm chí curcumin liều cao tới 8000 mg/ ngày cũng không gây tác dụng độc hại sau 3 tháng sử dụng (Chenget cùng cộng sự, 2001).

Nguyễn Phượng
Follow me
Latest posts by Nguyễn Phượng (see all)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *