Kem nền và phấn nền
Kiến thức DIY

Kem nền và phấn nền

Mỹ phẩm trang điểm từ ngàn xưa đã được người phụ nữ sử dụng để thay đổi màu sắc của cơ thể, cải thiện vẻ ngoài bằng cách giấu đi những khiếm khuyết trên da hoặc tập trung và làm nổi bật mắt, môi hay móng.

Một số dạng mỹ phẩm trang điểm quen thuộc có thể kể đến như phấn nền, phấn má hồng, mascara, chì kẻ mắt, vẽ mắt khối, son môi và dung dịch sơn móng.

Thể chất sản phẩm cũng rất đa dạng từ dạng nén, dạng hạt rời, hỗn dịch, nhũ tương, thỏi thân nước, compact (dạng nén) và dạng chì.

Để làm ra được một sản phẩm trang điểm đa chức năng, nhà bào chế cần tạo ra được một công thức nền ổn định với những hạt màu được phân tán đều trong sản phẩm và tạo sự đồng nhất khi thoa lên da.

Nhiều công nghệ sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm trang điểm cũng tương tự trong sản xuất nước sơn và mực. Lớp trang điểm không độc, không gây kích ứng trong quá trình sử dụng. Thêm vào đó, người tiêu dùng thường chú trọng những đặc điểm như thể chất, cảm giác, mùi và vị (son môi). Với khoảng 15 màu hữu cơ và 12 màu vô cơ hay màu tự nhiên, những nhà bào chế sẽ tìm cách phối hợp những loại phẩm màu này để có độ bền hóa học và cơ học đúng yêu cầu đồng thời cho khả năng bám lại trên da tốt nhất.

Nhóm chất độn màu được thêm vào với tác dụng bao phủ và tạo cảm giác dễ chịu khi sử dụng, từ phổ biến rẻ tiền như talc tới chuyên dụng như boron nitride, polymer hình cầu, silica hình cầu và lauroyl lysine.

Giới thiệu

Chức năng của phấn nền là tạo một lớp phấn mịn trên da nhằm che đi những khiếm khuyết nhỏ và làm nổi bật hơn những làn da tối màu.

Lớp nền có thể ẩm và bóng, tự nhiên, bán lì hay lì tùy thuộc vào thành phần chất màu và hàm lượng dưỡng ẩm trong công thức.

Nhiều sản phẩm nền còn có chức năng điều trị như dưỡng ẩm cho da hoặc hấp thụ lượng bã nhờn dư thừa trên da dầu.

Trong cả hai trường hợp trên, mục tiêu vẫn là để giữ được làn da đều màu và rực rỡ suốt cả ngày dài.

Thể chất của kem hoặc phấn nền gồm có hỗn dịch, nhũ tương dầu trong nước hoặc nước trong dầu, phấn nén hoặc hạt rời, dạng bánh hay dạng que thân nước, mức độ phổ biến của các dạng này tùy thuộc vào thời trang và điều kiện khí hậu của từng vùng, ví dụ như ở Hoa Kỳ thì dạng nhũ tương lỏng là phổ biến nhất, ở châu Âu là dạng kem nền và dạng bột hoặc kem-bột ở Nhật Bản.

Độ che phủ

Độ che phủ trong mỹ phẩm trang điểm được cung cấp chủ yếu từ những hạt màu trắng như titanium và kẽm oxid, kaolin, talc và phẩm màu trong một vài trường hợp. Một số nguyên liệu tạo độ che phủ cho sản phẩm, đặc biệt trong sản phẩm bột là bismuth oxychlorid, xà phòng kim loại, muối carbonate của kiềm thổ hay những hạt tiểu phân màu mịn và boron nitride.

Khả năng tán xạ ánh sáng của một nguyên liệu sẽ quy định mức độ che phủ của nguyên liệu đó. Sự khác nhau về chỉ số khúc xạ ánh sáng giữa phẩm màu và môi trường mà chúng được phân tán càng nhiều thì mức độ ánh sáng bị tán xạ càng lớn, độ che phủ càng cao. Cũng vì lý do này mà những chất độn như talc và mica với chỉ số khúc xạ từ 1,5-1,6 sẽ làm sản phẩm bột có màu đục nếu nhìn ngoài không khí (nơi có chỉ số khúc xạ xấp xỉ 1). Khi được thấm ướt hoàn toàn bởi thành phần có có chỉ số khúc xạ khoảng 1,4 – 1,6 như dầu và polymer, những chất này lại trở nên trong suốt.

Một tính chất khác cũng ảnh hưởng mức độ tán xạ ánh sáng là kích thước tiểu phân và độ nhám bề mặt tiểu phân. Những hạt màu kích thước càng mịn tạo độ che phủ tốt hơn do có thể tích lớn hơn so với hạt kích thước lớn có cùng khối lượng. Tuy nhiên, với đường kính dưới 350 nm, những hạt màu trở nên trong suốt vì khi kích thước giảm, ánh sáng không còn được phản xạ bởi những hạt có đường kính ít hơn một nửa bước sóng của chúng.

Titanium dioxid

Titanium dioxid là dạng bột màu trắng, được sử dụng chủ yếu để tạo độ che phủ cho các loại mỹ phẩm trang điểm. Titanium dioxid tồn tại ở 2 dạng tinh thể là anatase và rutile với chỉ số khúc xạ lần lượt là 2,55 và 2,75. Dạng rutile có chỉ số khúc xạ cao hơn do nguyên tử được sắp xếp gần nhau hơn trong cấu trúc tinh thể, từ đó tạo ra độ che phủ tốt cho nguyên liệu. Theo như quy định đối với thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm, chất màu titanium dioxid phải tinh khiết 99% theo trọng lượng khô.

Titanium dioxide cũng là một nguyên liệu chống nắng thường gặp, được sử dụng với tỉ lệ 2 – 25% trong công thức. Những hạt siêu mịn với kích thước dưới 100 µm sẽ trong suốt dưới ánh sáng thường nhưng với bức xạ UV sẽ tạo nên lớp màng chắn có tác dụng chống nắng mà không làm trắng da. Dù kích thước hạt lớn hơn thì titanium dioxid sẽ bền hơn với ánh sáng trong những công thức mỹ phẩm, những hạt siêu mịn vẫn cần thêm những lớp áo vô cơ và hữu cơ để ngăn ngừa sản phẩm bị biến tính và tối màu đi khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc tương kỵ hóa học với những thành phần khác trong công thức.

Kẽm oxid

Kẽm oxid có chỉ số khúc xạ thấp hơn titanium dioxid (2,1), vì vậy có độ che phủ kém hơn. Nếu đặt cạnh titanium dioxid, kẽm oxid sẽ là chất bột có màu trắng ngà. Những đặc tính này đều được tận dụng để làm phấn tạo khối cho những làn da tối màu. Kẽm oxid rất khó sử dụng với những công thức nền nước vì sẽ làm sản phẩm kém ổn định do sự xuất hiện của ion Zn2+, nhất là khi pH dưới 6. Kẽm oxid cũng là một hoạt chất chống nắng kháng được tia UVA, có khả năng săn se và làm dịu làn da.

Kaolin

Kaolin thường được xem như phẩm màu “độn” với thành phần gồm một muối nhôm silicate thân nước, cung cấp độ che phủ và tạo sự mềm mượt cho bột và hệ phân tán khi thoa sản phẩm lên da. Trong nhũ tương thân nước, kaolin đóng vai trò như một chất màu phân tán, giúp giữ khoảng cách giữa các hạt màu trong hệ, ổn định hỗn dịch. Cấu trúc dạng phiến của kaolin tạo độ bám dính tốt trên da với khả năng hấp thụ nước và dầu. Độ trơn chảy của kaolin thấp hơn talc và mica, đôi khi sẽ làm hạn chế nồng độ nguyên liệu sử dụng trong công thức.

Độ bám

Độ bám của một kem nền/phấn nền được xác định dựa trên mối quan hệ giữa thành phần chất màu/chất làm đầy và lượng kem bám lại sau khi sử dụng sản phẩm.

Nhu cầu của khách hàng rất đa dạng, tùy thuộc vào loại da, thời trang và điều kiện khí hậu. Những làn da dầu thường thích loại mỹ phẩm lì hoặc bán lì trong khi nhưng công thức có chất dưỡng ẩm lại phù hợp với da khô hơn.

Và vì chúng chứa gần như 100% nguyên liệu khô, phấn nền dạng bột có thể tạo thể chất “lì” và được làm mềm nhờ vào các nguyên liệu phản xạ đục mờ như mica và một lượng nhỏ bột màu trân châu mịn. Độ bám của kem/phấn nền dạng nhũ tương có thể đa dạng từ khô ráo và lì đến ẩm tựa như sương.

Một công thức với 12-14% phẩm màu và 5-10% dầu không bay hơi sẽ tương đối “lì”, thích hợp với người trẻ, da nhiều dầu.

Ngược lại, một sản phẩm chứa 14-16% phẩm màu và 25-35% dầu không bay hơi sẽ phù hợp với làn da khô lão hóa. Thông thường, những sản phẩm nền nước sẽ có dạng lì, bán lì hoặc tự nhiên và khô ráo, vì công thức thân nước ẩm sẽ tạo cảm giác bết rít trên da và không thoải mái khi sử dụng.

Sử dụng

Phấn nền/kem nền được thoa bằng tay hoặc với miếng bọt biển khô hay ướt, những chỉ tiêu để đánh giá cho hiệu quả sử dụng là độ lan tỏa, độ hòa hợp với làn da và thời gian giữ được lớp trang điểm.

Phấn phải lưu lại một khoảng thời gian đủ lâu để tạo sự bao phủ đồng đều trên mặt mà không bị nứt gãy hay trở nên không đồng đều. Nếu cần sử dụng thêm sản phẩm khác để đạt độ che phủ, khi thoa lên da phải thật nhẹ nhàng để không gây sự xáo trộn.

Đa số người sử dụng phấn nền/kem nền đều muốn giữ lớp trang điểm trông tươi trẻ cả ngày nên thỉnh thoảng sẽ dậm phấn nhẹ lại.

Người tiêu dùng có da dầu hoặc da hỗn hợp thường quan tâm đến vấn đề này nhiều vì dầu tiết nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến lớp phấn. Những thành phần có thể kéo dài thời gian lớp trang điểm gồm có chất làm đầy hấp thụ dầu để hấp thụ bã nhờn được bài tiết và tạo màng phim để ngăn ngừa phấn bị trôi đi. Sản phẩm dạng tự nhiên hoặc bán lì sẽ tốt hơn sản phẩm dạng lì về khoản này, vì khi dạng lì khi bị bão hòa với bã nhờn sẽ gây ra sự khác biệt rõ rệt với những vùng da khác.

Chất độn màu

Chất độn màu là những thành phần không nhằm tạo nên màu sắc hay độ che phủ nhưng có vai trò hỗ trợ cho các chất màu, cải thiện sự phân tán để giảm bớt lượng chất màu cần sử dụng.

Đây là nhóm các chất thường dùng cho việc thay đổi màu sắc trong một dòng sản phẩm có cùng độ bóng để duy trì tỷ lệ phần trăm chất màu không đổi.

Vì chiếm tỉ lệ phần trăm cao trong công thức, chất độn màu thường ảnh hưởng rất lớn đến chức năng cũng như thẩm mỹ của sản phẩm. Những chất độn cấu trúc phẳng thường bám lâu và tạo cảm giác mềm mượt trên da.

Talc

Talc – một dạng muối nhôm magnesium silicate ngậm nước – là dạng chất độn thường sử dụng nhất trong sản phẩm tạo nền. Talc dùng trong mỹ phẩm phải đạt độ sạch và sáng bóng, không nhiễm tạp khoáng, tỉ lệ kim loại nặng thấp (<20 ppm chì, <3 ppm arsen).

Talc là khoáng chất tự nhiên, những loại talc dùng được trong mỹ phẩm thường có nguồn gốc Ý, Pháp, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc. Quặng talc sau khi được nghiền nát sẽ được làm khô, đôi khi sẽ được rửa sạch và cuối cùng phân loại dựa theo kích thước hạt cụ thể, trong đó hai dạng thù hình thường gặp là đại tinh thể và bán đại tinh thể.

Điển hình của quặng talc đại tinh thể cấu trúc phẳng là ở Ý, Pháp và Vermont. Talc đại tinh thể có màu đục, tạo cảm giác mượt mà trên da, độ trơn chảy tốt và khả năng nén trung bình trong khi dạng bán đại tinh thể lại có khả năng chịu nén tốt hơn.

Mica

Mica là dạng muối kali nhôm silicate cấu trúc phẳng nhưng cứng và đục hơn talc. Mica dùng trong mỹ phẩm thường được khai thác ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ bằng phương pháp nghiền ướt hoặc nghiền khô.

Mica nghiền ướt có tỷ trọng biểu kiến cao hơn, mượt mà hơn, ít hấp thụ các nguyên liệu khác trong công thức, ít đục nhưng cũng đắt tiền hơn so với loại mica nghiền khô.

Sau khi nghiền, mica được làm khô và phân loại dựa theo kích thước hạt, loại dùng làm chất độn trong kem nền hoặc phấn nền thường có kích thước dưới 44µm. Mica dạng vảy trong suốt được dùng trong phấn nền hoặc kem nền để tạo cảm giác mượt mà, mềm mịn mà không làm da trở nên trắng bệt. Trong hỗn hợp bột, chỉ số khúc xạ của mica là 1,58 tạo độ bóng nhẹ cho sản phẩm, điều này có thể là ưu điểm hoặc nhược điểm tùy sở thích của mỗi người.

Sericite

Sericite là một dạng mica có cả tính chất của talc và những mica khác. Khi so sánh với những mica khác, sericite đục hơn, có tỷ trọng biểu kiến cao, khả năng chịu nén tốt, ít hấp thụ dầu và ít tạo độ bóng hơn. Do có hàm lượng nước trong tinh thể cao hơn mica, sericite làm ẩm da tốt hơn. Sericite thường dùng trong phấn nền dạng nén để tạo cảm giác mềm mịn, ẩm mượt, phấn trơn dễ đánh và ít bị rơi bụi khi lấy phấn.

Chất độn chuyên dụng

Những chất độn chuyên dụng có khả năng điều chỉnh thể chất và góp phần hoàn thiện sản phẩm. Nguyên liệu có cấu trúc phẳng với bề mặt trơn bóng như bismuth oxychlorid, boron nitride, lauroyl lysine, dẫn xuất của tinh bột và mica composite sẽ trượt trên da và tạo cảm giác dễ chịu khi được thoa đều.

Các hợp chất có hình cầu hữu cơ hoặc vô cơ điển hình như là nylon, polymethylmethacrylate, polyurethane, polyethylene, polyethylene/polyacrylates copolymer, polyvinylidene copolymer, talc, ceramic composites và silica hoạt động giống như những vòng bi, cho phép phân tử có thể trượt lên nhau dễ dàng trên da.

Hàm lượng của những hợp chất có dạng hình cầu này trong công thức càng nhiều, sản phẩm sẽ càng giảm độ bám lại trên da. Ngoài ra, chất độn cũng có vai trò hấp thụ nước hoặc bã nhờn, đảm bảo cho lớp trang điểm lưu lại trên da một thời gian đủ dài, nổi bật nhất là kaolin, silica rỗng, calcium silicate và hạt acrylate copolymer.

Tùy thuộc vào thành phần hóa học và cấu trúc mà chất độn chuyên dụng có thể có đặc tính riêng về mức độ hấp thụ dầu, độ đục, tỷ trọng biểu kiến và khả năng chịu nén. Tùy theo yêu cầu của sản phẩm và chi phí sản xuất mà nhà bào chế nên có sự lựa chọn phù hợp.

Phẩm màu

Đỏ, vàngđen của oxid sắt là những màu cơ bản được sử dụng trong lớp trang điểm nền. Khi kết hợp với titanium dioxid – chất có vai trò như phẩm màu trắng và tạo độ bao phủ – gần như màu của oxid sắt có thể tương hợp với mọi màu da người.

Màu xanh ultramarine thỉnh thoảng cũng được sử dụng nhưng màu xanh của oxid sắt sẽ dễ phối hơn với độ lặp lại cao hơn. Màu nâu của sắt oxid trên thị trường là hỗn hòa của màu đỏ, vàng và đen.

Theo lời khuyên của những nhà bảo chế, chỉ nên sử dụng một phẩm màu vàng, một màu đỏ vừa và một màu đen oxid sắt cũng như tìm hiểu kỹ sự ảnh hưởng của từng loại đến màu tổng thể của sản phẩm. Sự phối màu càng đơn giản thì kết quả sẽ càng dễ lặp lại và quy trình có tính đồng nhất cao hơn.

Hiệu ứng màu tạo ra trên da còn tùy thuộc vào độ đục của phẩm màu trắng và cả những màu khác, mức độ phân tán, độ dày của lớp trang điểm và màu da. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà bào chế cần tạo được sự liên kết giữa tone màu của sản phẩm và tone màu da dựa vào sự phân tán phẩm màu phù hợp và khả năng thấm ướt của chúng.

Phẩm màu được xử lý bề mặt

Việc sử dụng kết hợp phẩm màu được xử lý bề mặt trong mỹ phẩm trang điểm được giới thiệu lần đâu ở Mỹ bởi công ty Koken Chemical vào năm 1981. Phẩm màu được xử lý bề mặt tạo nên cuộc cách mạng trong quá trình bào chế kem nền và phấn nền, đặc biệt là dạng phấn nén và hệ khan nước.

Những hạt màu được bao bởi một chất thân dầu một cách đồng đều sẽ cho khả năng chịu nén tốt hơn đồng thời khi thoa lên da sẽ tạo cảm giác mềm mịn và dễ thấm ướt với dầu nhờn trên da. Nhóm hợp chất này rất đa dạng và được phân loại chủ yếu dựa trên quy trình sản xuất.

Phối trộn cơ học: điển hình của nhóm này là hạt silica hình cầu, boron nitride và nylon được bao bởi một lớp áo. Khi trộn ở cường độ cao, các hạt nguyên liệu tạo nên lớp áo bị thu hút và gắn vào những hạt phẩm màu có kích thước lớn hơn nhờ vào lực hút tĩnh điện. Phẩm màu tạo ra nhờ phương pháp này có khả năng trượt tốt và tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn so với chỉ đơn thuần kết hợp hai thành phần lại với nhau.

Phối trộn nhiệt: sáp nung chảy được trộn với phẩm màu hoặc chất độn (có thể có hoặc không sử dụng dung môi) với tốc độ khuấy cao. Sự phối trộn với sáp sẽ tạo cảm giác thoải mái và cải thiện khả năng chịu nén, đồng thời tăng cường dưỡng ẩm cho da. Khi bào chế ở dạng hệ phân tán, nhà bào chế cần lưu ý lớp áo ở bề mặt có thể chảy lỏng và biến tính gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sau cùng.

Kết tủa: những chất tạo áo thân nước được chuyển thành dạng thân dầu và bị kết tủa khỏi dung dịch nước nhờ sự có mặt của phẩm màu hoặc chất độn không tan trong nước, phổ biến là lecithin, amino acid, lauroyl lysin và xà phòng kim loại giúp cải thiện cảm giác khi sử dụng trên da. Nguyên liệu này thường sử dụng trong phấn dạng bột hoặc hệ phân tán. Nhà bào chế cần lưu ý đảm bảo lớp áo này không bị chảy lỏng gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do quá trình sản xuất kéo dài hoặc trong quá trình đóng gói.

Phản ứng hóa học: phẩm màu được bao thêm lớp áo bên ngoài nhờ vào phản ứng hóa học, nguyên liệu sau khi được xử lý sẽ dùng trong các sản phẩm bột và thích hợp nhất là dùng trong hệ phân tán như sản phẩm khan nước hay nhũ tương nước trong dầu. Bề mặt hạt màu khi được xử lý bằng phương pháp hóa học sẽ không bị hòa tan trong điều kiện sản xuất bình thường và bền hơn so với những phương pháp khác. Những hợp chất như methicone, alkyl trithoxysilane và perfluoro phosphate thường được gắn với phẩm màu và chất độn bằng phương pháp hóa học nhằm cải thiện khả năng thấm ướt và tính phân tán.

Hương liệu

Mùi hương của sản phẩm là yếu tố tác động mạnh nhất đến người mua hàng. Vì mỹ phẩm trang điểm sẽ lưu lại và trực tiếp ảnh hưởng đến làn da nên việc sử dụng quá nhiều mùi hương sẽ dễ gây kích ứng cho người sử dụng. Việc sử dụng những nguyên liệu ít gây mùi khó chịu nhất cũng giúp giảm bớt lượng hương liệu dùng trong sản phẩm.

Sự tương hợp của hương liệu với những thành phần khác trong sản phẩm cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng ở nhiệt độ phòng và nhiệt độ cao. Nhiều thành phần của mỹ phẩm như talc, kaolin và muối stearate kim loại có khả năng phá hủy mùi hương. Không chỉ vậy, thành phần này còn bị ảnh hưởng bởi nhiệt sử dụng trong quá trình sản xuất. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải sử dụng hương liệu phù hợp với liều lượng vừa phải để tạo được mùi thơm khi sử dụng trên da và hạn chế khả năng gây kích ứng.

 

Đọc thêm: Một số công thức kem nền cơ bản

 

Nguyễn Phượng
Follow me
Latest posts by Nguyễn Phượng (see all)