Lột xác sau sinh
Chăm sóc da cho mẹ bầu

Lột xác sau sinh nhờ các bí quyết dân gian

Đây là chia sẻ của một nàng bạn của mình. Mình cũng áp dụng nhiều cái giống với nàng này. Để cho thêm phong phú về các chủ đề, mình đăng bài viết này với hi với hi vọng giúp cho các nàng sau sinh có một vài bí kíp bỏ túi sau sinh.

“Phải gần 3 năm mình mới thực hiện lời hứa với một người chị về việc viết bài về chuyện ở cữ sau khi sinh. Chị là đồng nghiệp, là chị của mình. Tuy ít nói chuyện, không như những người khác nhưng mình thật sự nể bởi bản lĩnh và dám thực hiện đam mê của chị. Nên mình muốn thực hiện bài viết này cho chị. Thật ra mình cũng muốn viết lắm nhưng mỗi lần tính viết lại không biết như thế nào.

Hôm nay mình chia sẻ với mọi người một vài kinh nghiệm ở cữ do “đúc kết” từ tìm hiểu các tài liệu, sách báo trên internet kết hợp với chăm sóc sau sinh theo phương pháp truyền thống của mẹ. Cái này gọi là bệnh “nghề nghiệp” đó mọi người, vì mỗi lần làm gì mình đều tìm hiểu, rồi tổng hợp, rồi phân tích cụ thể để có cơ sở.

Và thực tế cho thấy các phương pháp ở cữ đã tạm thời cho kết quả mà nhiều người nhận xét “Gái một con trông mòn con mắt”. Nếu mẹ bỉm sửa nào muốn tham khảo thì có thể xem nha. Và phần này mình chỉ chia sẻ phương pháp hơ cho mẹ bỉm sữa thôi, đối với hơ bé sẽ đơn giản hơn nhiều.

Chuẩn bị trước khi sinh

Ngâm rượu gừng: Gừng say nhuyễn, rượu (nên mua rượu tự nấu), long não, bạch nhĩ (cái này có thể mua trên tiệm thuốc bắc). Hỗn hợp này được ngâm chung với nhau và được chuẩn bị trước 3 tháng khi sinh.

Đọc thêm: Làm rượu gừng 

Than: các bạn lưu ý than cầy dùng để chăm sóc người sau sinh khác với than ở ngoài. Các bạn nên đặt và mua ở nơi tin tưởng. Và chỉ sử dụng khi than đã chín, không đem than còn chưa cháy để vào phòng, đặc biệt là phòng kín (chắc các bạn cũng đã được biết một vài trường hợp mẹ và bé bị ngộp do Carbon từ than).

Sau khi sinh

Thời gian cữ đối với con đầu lòng là 3 tháng, con rạ thường là 1 tháng. Nhưng đối với việc hơ, ở cử cố gắng thực hiện trong 1 tháng đầu.

Người ta nói không được cắt tóc, móng tay và gội đầu, tắm rửa khi mới sinh. Mình thấy hợp lý. Về cắt tóc, móng tay thì không thể vì mới sinh cơ thể sẽ rất yếu. Vì vậy, trước khi sinh các bạn nên chuẩn bị thật gọn gàng. Đối với việc không gội đầu và không tắm như người ta đồn là không phải nha.

Thật ra sau khi về các mẹ sẽ được vệ sinh vùng dưới mỗi ngày, ngực đều được về sinh bằng nước ấm trước và sau khi cho bé bú. Sau ba ngày các mẹ sẽ được chà gừng (rất sạch và thơm) cùng với việc nấu lá xông toàn người.nên không có chuyện hôi hám như các mẹ tưởng.

Nếu các mẹ không có sữa hoặc sữa về không kịp, các mẹ vẫn cho bé bú vì sữa non rất tốt. Tuy không nhìn thấy sữa chảy nhưng khi bé bú sẽ kích thích tuyến sữa tiết sữa. Nếu sữa không về các mẹ có thể nấu nếp cùng với hành hương đắp xung quanh vú (vú sẽ rất căng và thơm sữa). Hồi mình mổ nên mẹ mình còn ra tiệm thuốc bắc mua thuốc kích sữa về trộn với một ít rượu và đắp lên. Số lần đắp khoảng 2 lần và các mẹ chú ý tuyệt đối không để dính lên đầu ti. Khâu này mình thực hiện ngày khi ở bệnh viện chứ không đợi về nhà, vì nếu sữa không về kịp tội con lắm.

Các mẹ chú ý lúc di chuyển từ bệnh viện về phải quấn kín nếu ở nơi có gió nhiều, vì nếu không mắt các mẹ sẽ bị sưng húp vào ngày hôm sau (cái này mình đã bị).

Thời gian hơ: phụ thuộc và các mẹ. Nếu dậy sớm được thời gian hơ tốt nhất là từ 5h30 sáng. Nếu không được các mẹ có thể hơ vào lúc 16h30 chiều.

Bỏ than: tùy vào các bạn, mình thì không nằm than nha, chỉ nằm trong phòng kín gió, nếu sau khi hơ xong than con dư thì để một chút cho ấm phòng. Vì ở Gia Lai mà lúc sinh lại vào tháng 12 nên được nằm trong phòng ấm cảm giác rất là sướng nha các bạn. Và nhắc lại các bạn hãy để chậu than hừng đỏ rồi mới mang vào phòng.

Các bộ phận cần chăm sóc và cách chăm sóc: trong 1 tháng các bạn có thể sắp xếp để có thời gian hơ đều hết tất cả. Mỗi lần chỉ có thể hơ 2 – 3 bộ phận.

  • Mắt: đối với những bạn bị sưng mắt thì sẽ thấy hiệu quả cụ thể của việc hơ mắt bằng chanh. Các bạn sử dụng đũa tre, cắm chanh vào đầu đũa và hơ đều trên chậu than, khi chanh nóng, lăn đều từ khỏe mắt đến đuôi mắt (tất nhiên là phải nhắm mắt nha). Cần chú ý độ nóng, nếu hơ chưa quen, các bạn nên thử nóng của chanh qua tay trước, nếu thấy nóng vừa thì hãy đưa lên mắt. Các bạn làm lần lượt từng mắt. Nếu hơ kĩ, các bạn hơ đến khi chanh héo. Hơ mắt kéo dài khoảng 5 ngày, có thể kết hợp với hơ mặt.
  • Mặt: các bạn chuẩn bị nghệ. Việc hơ mặt sẽ giúp da của các bạn tái tạo sau thời gian mang bầu, thai nghén làm cho da bị sần, có nhiều bạn sẽ mọc mụn. Nghệ các bạn say nhuyễn, cùng với một ít muối, lọc lấy nước (có thể xem cách làm trên mạng). Khi hơ mặt các bạn phải ngậm một ít nước ấm để tránh tình trạng nói chuyện trong lúc hơ sẽ làm da mặt bị nhăn. Sau đó các bạn dùng bông thấm đều lên mặt tạo thành một lớp mặt nạ và ngồi cúi đầu để lửa sát (không quá nóng vì sẽ dễ phỏng và khô da). Lúc bôi nghệ và có muối có thể sẽ hơi rát nhưng lúc hơ sẽ thấy da mặt căng. Thao tác này các bạn thực hiện từ 5 – 7 lần. Nhưng nếu thấy rát hoặc da có dị ứng các bạn phải dừng liền. Sau khi hơ nghệ khoảng 5 ngày, các bạn dùng lòng trắng trứng gà để tạo mặt nạ. Hơ giống hơ nghệ và lau sạch hoặc bóc ra thì toàn bộ lớp nghệ của các ngày trước. Các bạn sẽ thấy sự khác biệt của trước và sau. Một việc nữa là kết hợp uống nghệ và mật ong. Mình uống tới 10 kg. Nghệ cũng xay nhuyễn, sao và cho một chút mật ong (cái này trên mạng chỉ rất rõ nên mình không nói cụ thể nha).

Mới có hai bộ phận thôi mà thấy phức tạp nhỉ? Các mẹ phải chịu khó, mình thì được cái mẹ rất khó tính và mình muốn đẹp nên chỉ cần đẹp thì mình sẽ cố làm. Hehe.

  • Lưng, nách: các mẹ dùng gừng đã được ngâm trước đó để chà lên lưng, nách. Thường nách khi mang bầu sẽ bị đen, có mẹ sẽ bị ra mồ hôi nách nữa, lưng bị mụn và thường đau. Nếu mẹ nào đau lưng nhiều thì hơ kỹ phần lưng bị đau nha. Khi các mẹ chà gừng sẽ rất nóng. Các mẹ dùng khăn chà gừng đều. Nếu các mẹ chịu nóng được thì hơ trực tiếp trên chậu than (có thể dùng giường gỗ để hơ). Nhưng mình không chịu nóng được nên mẹ mình cứ chà gừng. Rồi sau đó dùng khăn hơ ấm trên chậu than, áp lên lưng, nách. Lần lượt của vậy khoảng 5 -6 lần khi gừng khô và thấm vào. Đây cũng là lý do các mẹ hiểu vì sao con so nhà mẹ, con rạ nhà chồng rồi chứ.
  • Chân: việc ngâm chân sẽ giúp các mẹ không bị ra mồ hôi sau này. Bỏ gừng vào trong thau hoặc chậu, xong các mẹ dùng gừng thoa đều như các bạn chà chân. Sau đó hơ trực tiếp lên chậu than đang nóng. Chỉ làm 3 – 4 lần vì sẽ rất nóng khi gừng thấm vào chân.
  • Cửa mình: giúp không bị hôi. Ahihi. Các mẹ có thể dùng hành hương đập nát và thảy vào chậu lửa (không quá nóng) và ngồi trên giường gỗ để hơi nóng vừa đủ nha. Hoặc có thể khoét cái ghế để ngồi cho thoải mái. Và có thể nấu lá trầu rồi xông cửa mình (nếu những bạn mổ mà tử cung khép không nên hơ quá 3 lần nha).
  • Bụng: phần này mình để cuối vì hồi mình sinh mổ nên không ép bụng được. Nếu bạn nào sinh thường có thể hơ để giảm mỡ bụng luôn nha.

Quan trọng là các mẹ phải ăn uống, ngủ nghỉ để có sức khỏe chăm con. Và sắp xếp thời gian hơ trong 1 tháng là ok. Mình chỉ sợ có một vài mẹ con quấy sẽ dễ bị stress. Nên trên đây chỉ là một số kinh nghiệm mình đã thực hiện có hiệu quả và chia sẽ cho các mẹ thôi. Chúc các mẹ có một thời gian nghỉ dưỡng và bên thiên thần của mình thật hạnh phúc”

                                                                                                  – Nguyễn Thị Thanh Duyên

Nguyễn Phượng
Follow me
Latest posts by Nguyễn Phượng (see all)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *